TÓM TẮT NGHIÊN CỨU

 

Trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục đổi mới, tăng cường mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế, nhất là sau khi Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của WTO. Để góp phần giảm thiểu sự khác biệt về giới, thúc đẩy BĐG ở Việt Nam nói chung, ở Hà Nội nói riêng, Plan tại Việt hỗ trợ chương trình góp phần nâng cao vị thế và sự tham gia đóng góp của phụ nữ và nữ vị thành niên (VTN) trong sự phát triển của thành phố Hà Nội tại ba huyện (Sóc Sơn, Từ Liêm, Đông Anh) giai đoạn 2007 – 2010.

 

Mục đích nghiên cứu

 

Đánh giá trạng BĐG trên địa bàn Hà Nội trên cơ sở đó đề xuất giải pháp thúc đẩy BĐG, nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ và trẻ em gái giai đoạn 2007 - 2010.

 

Phương pháp nghiên cứu

 

Phương pháp thu thập và phân tích nội dung tài liệu;

Phương pháp nghiên cứu định lượng (phỏng vấn có cấu trúc 780 đối tượng);

Phương pháp nghiên cứu định tính (phỏng vấn sâu 98 đối tượng, thảo luận 26 nhóm).

 

Các phát hiện chính

 

Hiểu biết về giới, BĐG của cộng đồng và VTN còn thấp. Phụ nữ và nam giới hiểu đúng thế nào là giới 6.4%, hiểu đúng/hiểu đúng một phần thế nào là BĐG 67.2%. VTN hiểu đúng thế nào là giới 3.8%, hiểu đúng/hiểu đúng một phần thế nào là BĐG 50.7%; Khu vực ngoại thành hiểu biết thấp hơn so với khu vực nội thành; các huyện Sóc Sơn, Từ Liêm, Đông Anh không có sự khác biệt đáng kể.

 

Phụ nữ giữ vai trò thứ yếu trong quyết định công việc gia đình và làm việc nội trợ với thời gian gấp 2.7 lần so với nam giới. Nam giới quyết định 46.7%, phụ nữ quyết định 6.4%, cả hai quyết định 44.2%; thời gian trung bình phụ nữ làm việc nội trợ gia đình 2.4 giờ/ngày, nam giới 1.7 giờ/ngày. Khu vực ngoại thành phụ nữ quyết định công việc gia đình và làm nội trợ gia đình thấp hơn so với phụ nữ nội thành; các huyện Sóc Sơn, Từ Liêm, Đông Anh không có sự khác biệt đáng kể.

 

Tình trạng bạo lực giới vẫn tồn tại khá nặng nề và phụ nữ vẫn là nạn nhân chủ yếu. Số ý kiến khẳng định trong cộng đồng có tình trạng vợ chồng đánh nhau là 49.2%, vợ chồng cãi chửi nhau 65.5%, trong đó chồng đánh, chửi vợ là chủ yếu; khu vực ngoại thành bạo lực trong quan hệ vợ chồng nhiều hơn so với nội thành; tình trạng con dâu và mẹ chồng bất hòa còn tồn tại, nhưng đã giảm nhiều so với trước; tình trạng bạo lực giới trong lứa tuổi VTN biểu hiện ở mức độ thấp. Tình trạng bạo lực giới, nhất là bạo lực gia đình dẫn đến tổn thương lớn về thể chất, tinh thần, tình cảm, thiệt hại kinh tế, trong đó phụ nữ và trẻ em vẫn là đối tượng bị tổn thương nhiều nhất.

 

Phụ nữ giữ vai trò thứ yếu trong quyết định kinh tế, mang lại thu nhập và quyết định những khoản chi tiêu lớn trong gia đình so với nam giới. Phụ nữ quyết định việc sản xuất, kinh doanh 23.8%, nam giới quyết định 37%, cả hai quyết định 39.2%. Khu vực ngoại thành phụ nữ quyết định 23.1%, phụ nữ nội thành quyết định 35.7%; huyện Sóc Sơn phụ nữ quyết định 29%, huyện Từ Liêm 25.8%, huyện Đông Anh 20.5%. Phụ nữ mang lại thu nhập chủ yếu cho gia đình 6.9%, nam giới 52.8%; phụ nữ quản lý/giữ tiền 65.9%, nam gới 5.9%, không có sự khác biệt đáng kể giữa phụ nữ ngoại thành và nội thành, giữa các huyện Sóc Sơn, Từ Liêm và Đông Anh.

 

Gia đình mong muốn và tạo điều kiện học tập cho trẻ em gái thấp hơn so với trẻ em trai; ở trường học nữ VTN và nam VTN bình đẳng trong nhiều hoạt động. Gia đình mong muốn trẻ em gái học hết tiểu học 0.3%, THCS 4.7%, THPT 3.8%, học lên cao đẳng/đại học 54.4%; tương ứng tỷ lệ này đối với trẻ em trai là 0%, 3.9%, THPT 12.8% và 57%. Gia đình quan tâm tạo điều kiện cho trẻ em gái và trẻ em trai học tập như nhau 85.6%, tạo điều kiện cho trẻ em gái học tập nhiều hơn 1.8%, tạo điều hiện cho trẻ em trai nhiều hơn 11.3%. Khu vực ngoại thành gia đình mong muốn trẻ em gái học lên cao và tạo điều kiện học tập cho trẻ em gái thấp hơn so với nội thành. Các huyện Sóc Sơn, Từ Liêm, Đông Anh không có sự khác biệt đáng kể. Nữ VTN và nam VTN được bình đẳng trong học tập 88.7%, trong sinh hoạt tập thể 89.2%, trong lao động 76.4%, trong phát biểu ý kiến 82.1%, trong văn nghệ 72.3%, trong thể dục thể thao 76.9%. Khu vực ngoại thành nữ VTN và nam VTN bình đẳng trong các hoạt động thấp hơn so với nội thành. Huyện Từ Liêm, VTN bình đẳng trong các hoạt động cao hơn so với Sóc Sơn và Đông Anh.

 

Phụ nữ giữ vai trò chủ yếu trong chăm sóc sức khỏe gia đình; về cơ bản gia đình chăm sóc khỏe trẻ em gái và trẻ em trai như nhau. Phụ nữ quyết định chăm sóc sức khỏe các thành viên gia đình 41.5%, nam giới quyết định 6.7%, cả hai quyết định 49.2%. Phụ nữ trực tiếp chăm sóc sức khỏe các thành viên gia đình 43.1%, nam giới 3.1%, cả hai 50.3%. Phụ nữ ngoại thành giữ vai trò quyết định và chăm sóc sức khỏe gia đình có tỷ lệ thấp hơn so với khu vực nội thành (sự khác biệt đáng kể). Phụ nữ huyện Từ Liêm giữ vai trò quyết định và trực tiếp chăm sóc sức khỏe gia đình cao hơn so với nam giới và có tỷ lệ cao hơn so với huyện Sóc Sơn và Đông Anh. Trẻ em trai và trẻ em gái được gia đình chăm sóc khi đau ốm như nhau chiếm tỷ lệ 93.1%, quan tâm đến trẻ em gái nhiều hơn 2.1%, quan tâm đến trẻ em trai nhiều hơn 3.8%; giữa khu vực nội thành và ngoại thành, giữa các huyện Sóc Sơn, Từ Liêm, Đông Anh không có sự khác biệt đáng kể.

 

Phụ nữ thực hiện biện pháp KHHGĐ với 59.8%; chăm sóc SKSS của phụ nữ đã được quan tâm nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu; nam giới chưa được quan tâm chăm sóc SKSS. Phụ nữ quyết định sử dụng biện pháp tránh thai 32%, nam giới quyết định 27.5%, cả hai quyết định 40.5%; phụ nữ thực hiện biện pháp tránh thai 59.8%, nam giới 40.2%. Khu vực ngoại thành phụ nữ quyết định thực hiện biện pháp tránh thai 34%, thực hiện 62.8%, trong khi đó ở nội thành tỷ lệ này là 17.8% và 42.2% (cả vợ chồng cùng quyết định và nam giới nội thành thực hiện biện pháp tránh thai cao hơn so với ngoại thành). Chăm sóc SKSS như (khám phụ khoa, khám thai, tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ khi mang thai, ...) đã được quan tâm, tuy nhiên tình trạng phụ nữ mắc bệnh phụ khoa còn chiếm tỷ lệ cao khoảng trên 50%. Nam giới chưa được quan tâm đến chăm sóc SKSS.

 

Tỷ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo quản lý cấp cơ sở và cộng đồng còn thấp so với nam giới. Tỷ lệ nữ tham gia HĐND thấp nhất là xã Tân Hưng 6.6%, xã Xuân Thu 9%, cao nhất là phường Kim Giang 41%, phường Thanh Xuân Nam 40%; có 3/13 xã/phường có nữ tham gia lãnh đạo UBND (là phó chủ tịch); 7/13 xã/phường không có phụ nữ tham gia trưởng/phó thôn/khu dân cư (đều là các xã thuộc huyện ngoại thành). Nam giới tham gia hầu hết các vị trí lãnh đạo trong các chi hội, tổ tự quản cộng đồng, trừ mạng lưới của chi hội phụ nữ, các mô hình/nhóm/câu lạc bộ của Hội phụ nữ.

 

Các hoạt động truyền thông, giáo dục nâng cao kiến thức, sự quan tâm về giới, BĐG đã được triển khai nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của cộng đồng và VTN. Phụ nữ và nam giới đã tham gia tập huấn về giới, BĐG 9.2%, đã nhận tài liệu BĐG 12.1%; tỷ lệ phụ nữ tham gia tập huấn và nhận được tài liệu BĐG đều thấp hơn so với tập huấn và tài liệu về DS/SKSS, BVCS trẻ em, sản xuất kinh doanh, vay vốn, ... VTN nhận được tài liệu BĐG chiếm 12.3%.

 

Ban Ví sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) các cấp của Hà Nội đã được thành lập, tuy nhiên còn mang tính hình thức, đặc biệt là cấp cơ sở; lồng ghép giới vào kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội bước đầu thực hiện ở cấp thành phố và quận/huyện. 100% các quận/huyện, xã/phường của Hà Nội đã thành lập Ban VSTBPN, tuy nhiên các Ban VSTBPN, đặc biệt là Ban VSTBPN của các xã/phường được thành lập theo sự chỉ đạo chung, nhưng nhiều Ban chưa có hoạt động. Ban VSTBPN của Thành phố, của các quận/huyện đã xây dựng được chương trình kế hoạch hành động giai đoạn 2006 - 2010, song mới dừng lại ở kế hoạch chung; Ban VSTBPN của các xã chưa xây dựng được kế hoạch hoạt động của xã/phường.

 

Một số kết luận chủ yếu

 

Nhận thức của cộng đồng, của VTN về giới, BĐG, nhất là vị thế, vai trò của phụ nữ trong qúa trình đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế dưới tác động của cơ chế thị trường còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu. Hiểu biết về giới, BĐG và các hoạt động thúc đẩy BĐG ở khu vực ngoại thành nhìn chung thấp so với khu vực nội thành; các huyện Sóc Sơn, Từ Liêm, Đông Anh không có sự khác biệt đáng kể hiểu biết về giới, BĐG cũng như các hoạt động thúc đẩy BĐG góp phần nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ và trẻ em gái.

 

Vị thế, vai trò của phụ nữ trong quyết định công việc gia đình, sản xuất kinh doanh, mang lại thu nhập, quyết định những khoản chi tiêu lớn, tham gia công tác lãnh đạo cơ sở và cộng đồng còn thấp so với nam giới.

 

Tình trạng bạo lực giới vẫn tồn tại trong gia đình, trong cộng đồng và VTN, nạn nhân chủ yếu của bạo lực giới vẫn là phụ nữ. Bạo lực giới xảy ra, song chưa có biện pháp khắc phục, nhất là hoạt động truyền thông, tư vẫn hỗ trợ phòng ngừa và can thiệp.

 

Nữ và nam VTN về cơ bản được bình đẳng trong giáo dục, tuy nhiên nam VTN vẫn được quan tâm tạo điều kiện học tập hơn so với nữ VTN.

 

Phụ nữ giữ vai trò chủ yếu trong thực hiện KHHGĐ, chăm sóc SKSS cho phụ nữ đã được quan tâm nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu; chăm sóc SKSS cho VTN chưa được chú trọng, nam giới chưa được quan tâm chăm sóc SKSS. Hiểu biết về SKSS của phụ nữ, nhất là của nam giới và VTN còn hạn chế.

 

Hoạt động truyền thông, giáo dục về giới và BĐG đã có nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu về qui mô, hình thức đối với cộng đồng và VTN.

 

Ban VSTBPN đã được thành lập, song còn mang tính hình thức, việc lồng ghép giới vào kế hoạch phát triển kinh tế. xã hội bước đầu được thực hiện ở cấp thành phố, cấp huyện; Ban VSTBPN các xã/phường hầu hết chưa có hoạt động. Nhận thức, năng lực chỉ đạo thúc đẩy BĐG của đội ngũ cán bộ trong các Ban VSTBPN và cán bộ lãnh đạo, quản lý của thành phố, quận/huyện, xã/phường còn nhiều hạn chế.

 

Một số đề xuất chính

 

Trên cơ sở những phát hiện và kết luận, CDECC khuyến nghị một số giải pháp sau:

 

Nâng cao nhận thức về giới, BĐG, kỹ năng lồng ghép giới cho đội ngũ cán bộ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp thành phố, cấp huyện, cấp xã (lãnh đạo Đảng, chính quyền, các đoàn thể, một số ban ngành có liên quan) và cộng đồng (phụ nữ, nam giới, VTN và thanh niên).

 

Thúc đẩy sự tham gia góp phần nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ vào hoạt động kinh tế, hoạt động xã hội, tham gia lãnh đạo cơ sở và cộng đồng thông qua tăng cường thực hiện Luật bình đẳng giới, cơ chế chính sách, tạo cơ hội, điều kiện nhiều hơn cho phụ nữ, nâng cao nhận thức, sự nỗ lực vươn lên của phụ nữ và chia sẻ trách nhiệm của nam giới.

 

Nâng cao nhận thức, thực hành về chăm sóc sức khỏe/SKSS, nhất là lứa tuổi VTN và thanh niên thông qua truyền thông, tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật.


Tăng cường thúc đẩy BĐG trong giáo dục nhằm tạo cơ hội và điều kiện cho trẻ em gái được học tập nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ tương xứng với nam giới thông qua cơ chế chính sách giáo dục, đào tạo, nâng cao trách nhiệm của các gia đình, nhà trường cũng như nhận thức và sự nỗ lực vươn lên của trẻ em gái.

 

Thiết lập Trung tâm hỗ trợ, tư vấn về SKSS. phòng ngừa tình trạng bạo lực giới, nhất là bạo lực trong gia đình; hỗ trợ chăm sóc về sức khỏe, tinh thần đối với những nạn nhân của bạo lực giới, đặc biệt đối với phụ nữ.

 

Tăng cường năng lực hoạt động cho các Ban VSTBPN cấp huyện, cấp xã, thúc đẩy lồng ghép giới vào kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương thông qua các khóa tập huấn, tài liệu và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn.

 

Huy động nguồn lực của các tổ chức, cộng đồng và cá nhân nhằm thúc đẩy BĐG, góp phần nâng cao vị thế, vai trò cho phụ nữ và trẻ em gái, nhất là đối với 3 huyện Sóc Sơn, Từ Liêm và Đông Anh, trên cơ sở đó có thể mở rộng sự can thiệp hỗ trợ sang các địa bàn khác thông qua chương trình hỗ trợ của Plan tại Việt Nam và hoạt động của các cấp Hội phụ nữ, của Ban VSTBPN.

 

MC - CDECC Tư Vấn PC.HIV

Họ tên:

Email:

Tiêu đề :

THỜI TIẾT


NguoiYenThanh.Com
Đang Tải Dữ Liệu