Phát triển trẻ em |
DECC khảo sát Chất lượng dạy và học cho trẻ em nghèo dân tộc thiểu số miền núi (xã Ẳng Nưa, Ẳng Cang và Ẳng Tở) huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên, tháng 9/2009
Mường Ảng là một trong những huyện miền núi nghèo nhất của tỉnh Điện Biên, tỷ lệ hộ nghèo đói là 53.69%, phần lớn dân số của huyện là người dân tộc thiểu số: người Thái 78.1%, H’Mông 11.8%, Kinh 8.43%, dân tộc thiểu số khác 1.67%. Thu nhập chủ yếu của người dân từ các hoạt động nông nghiệp như trồng lúa nước, lúa nương, cây hoa màu ngắn hạn như ngô, đỗ tương và lạc. Họ không có nghề phụ hay bất kì nghề phi nông nghiệp nào khác để tạo thêm thu nhập. Kinh tế của các hộ gia đình do vậy gặp nhiều khó khăn đặc biệt trong thời kì giáp hạt
Một lớp học mầm non bản Tat He xã Ăng Nưa
Kết quả khảo sát 3 trường mầm non (xã Ằng Nưa, xã Ẳng Cang, xã Ẳng Tở) thuộc huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên cho thấy: 3 trường gặp rất nhiều khó khăn về giáo dục, đặc biệt là giáo dục bậc mầm non. Tại 3 xã, cơ sở vật chất của các trường mầm non còn rất thiếu thốn, đặc biệt là các bản ở vùng núi cao, vùng sâu của người H’Mông, người Thái, người Khơ Mú. Các lớp tại các bản này không có bàn ghế cho học sinh hoặc có nhưng không đạt yêu cầu dạy và học, vì phần lớn bàn ghế do cha mẹ học sinh kiếm gỗ, tre trong rừng về đóng thành bàn ghế. Việc thiếu thốn cơ sở vật chất này đã tước đoạt cơ hội được hưởng một nền giáo dục chất lượng toàn diện của trẻ em thuộc nhóm dân tộc thiểu số tại 3 xã nói trên. Do thiếu bàn ghế nên các cô giáo gặp khó khăn khi dạy cho các em những bài học phát triển trí tuệ như viết chữ, tô mầu, và làm toán cơ bản . Vì nguồn lực kinh tế của huyện miền núi Mường Ảng hạn chế và thu nhập gia đình học sinh rất thấp nên địa phương, nhà trường và các bậc phụ huynh chưa thể tự trang bị bàn ghế, đồ dùng dạy và học cho học sinh của 3 trường mầm non của 3 xã Ẳng Nưa, Ẳng Cang và Ẳng Tở. Ngoài bàn ghế ra, những trang thiết bị dạy và học như: bộ tranh giúp trẻ khám phá thế giới, những bộ truyện thơ, bộ ghép hình, là những đồ chơi mang tính giáo dục rất phổ biến cho lứa tuổi 3 – 5 tuổi. Các trang thiết bị này giúp trẻ em phát triển trí tuệ, khơi dây tiềm năng cho trẻ đã và đang đươc trang bị ở rất nhiều trường mầm non của các địa phương khác của Việt Nam, nhưng rất tiếc đều không có tại 3 ngôi trường mầm non nói trên. Các cô giáo cũng chỉ tự làm được một số đồ dùng dạy và học từ vật liệu bỏ đi như vỏ lon bia, vỏ dầu gội, vỏ ốc, bìa, giấy. Tỷ lệ trẻ em trong lứa tuổi mầm non đến trường trung bình tại ba xã là 57%, số trẻ không đến trường còn lại do bố mẹ chưa thật hiểu hết về tầm quan trọng của giáo dục mầm non và họ cũng cho rằng vì trường học không đủ trang thiết bị dạy học nên không đưa con tới trường. Các cô giáo của cả 3 trường đều được đào tạo chuyên nghiệp từ các trường cao đẳng sư phạm và đạt tiêu chuẩn do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy đinh. Tuy nhiên việc thiếu thốn cơ sở vật chất đã và đang gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng dạy và học, nhất là trẻ em là người dân tộc thiểu số. Dự án này được thiết kế nhằm trực tiếp giúp đỡ 836 trẻ em dân tộc thiểu số hiện đang theo học tại 3 trường mầm non của cả 3 xã có điều kiện học tập, được phát triển đầy đủ về thể chất và trí tuệ, giảm dần sự cách biệt về giáo dục giữa trẻ em miền núi và đồng bằng, giữa trẻ em dân tộc thiểu số và đa số.
Trẻ em đang chơi với những viên đá
Toàn bộ 836 học sinh thuộc 3 trường mầm non của 3 xã hầu hết không được tiếp cận các đồ dùng học tập, đồ chơi mang tính giáo dục, tất cả đồ chơi và đồ dùng đều do các cô giáo tự làm từ vỏ nhựa, đồ hộp do vậy các thiết bị này sơ sài, không đủ và không đảm bảo yêu cầu phục vụ dạy và học, đặc biệt cho các em 5 tuổi – độ tuổi chuẩn bị vào tiểu học (trẻ em Việt Nam 6 tuổi sẽ đi học tiểu học và chương trình mầm non là bước chuẩn bị không thể thiếu). Việc thiếu trầm trọng đồ dùng dạy và học đã cản trở sự phát triển trí tuệ và tinh thần của trẻ em, gia tăng hố ngăn cách khác biệt giữa giáo dục mầm non ở miền xuôi và miền núi, giữa trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em dân tộc đa số (người Kinh). Để góp phần giảm khó khăn nói trên nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy và học cho 3 Trường mầm non, các tổ chức, cá nhân cần quan tâm hỗ trợ nhằm đầu tư cơ sở vật chất cho dạy và học, đồng thời nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên mầm non. |